Trong số những món ngon đặc trưng của Bình Định, bánh xèo vỏ nổi bật như một nét văn hóa ẩm thực bình dị và đậm đà hồn quê. Không cầu kỳ hay hào nhoáng, chiếc bánh xèo vỏ đơn giản, mộc mạc nhưng lại khiến ai thưởng thức rồi cũng nhớ mãi không quên.
Nguồn gốc ra đời của bánh xèo vỏ hết sức giản dị. Theo lời kể của nhiều người, chiếc bánh giản đơn này được ra đời từ những ngày mưa lạnh giá, khi người nông dân không thể ra đồng cày cấy hay đi chợ mua đồ ăn. Lúc này, người dân mang gạo đi xay thành bột, pha thêm chút nước, đổ bánh trên chảo dầu nóng để làm món ăn chống đói qua ngày. Từ đó, bánh xèo vỏ đã gắn liền với cuộc sống giản dị và trở thành món ăn quen thuộc của người dân nơi đây.
Sở dĩ gọi là bánh xèo vỏ vì món ăn này không có phần nhân như các loại bánh xèo khác, mà chỉ có lớp vỏ bánh được làm từ bột gạo pha với hành lá, rồi đổ vào chiếc khuôn tròn đặt trên bếp than. Bánh khi chín có màu trắng, bề mặt rỗ đặc trưng, kích thước chỉ bằng lòng bàn tay. Điều đặc biệt là món ăn này không chỉ đơn giản trong cách làm mà còn mộc mạc trong cách thưởng thức, khiến ai nếm thử cũng nhớ mãi không quên.
Để làm bánh xèo vỏ, người ta chọn loại gạo ngon, vo sạch, ngâm qua đêm cho mềm rồi xay nhuyễn thành bột. Bột được pha với nước theo tỉ lệ vừa đủ để đạt độ sánh mịn, sau đó thêm hành lá cắt nhỏ. Khi đổ bánh xèo, người làm dùng chiếc khuôn nhỏ đặc trưng, cho một chút dầu ăn, chờ nóng rồi đổ bột vào, tráng cho đến khi bột lan đầy hết khuôn. Tiếng “xèo xèo” vang lên khi bột chạm vào khuôn chính là nguồn gốc của tên gọi “bánh xèo”.
Ngày nay, bánh xèo vỏ không chỉ giữ được nét mộc mạc truyền thống mà còn có thêm những biến tấu hấp dẫn để phù hợp với khẩu vị đa dạng. Một số nơi đã khéo léo thêm tép đồng tươi, vừa tạo điểm nhấn hương vị ngọt tự nhiên, vừa tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn. Ngoài ra, nhiều người còn yêu thích phiên bản bánh xèo vỏ đập thêm trứng gà, làm cho lớp bánh mềm mịn, béo ngậy hơn nhưng vẫn giữ được đặc trưng dai thơm từ bột gạo. Những biến tấu này không làm mất đi tinh thần giản dị của bánh xèo vỏ, mà ngược lại, còn làm phong phú thêm trải nghiệm ẩm thực, khiến món ăn dân dã này ngày càng được yêu thích.
Bánh xèo vỏ chín rất nhanh, chỉ trong vài phút. Để lấy bánh ra, người làm chỉ cần úp ngược cái khuôn đổ bánh xèo xuống mâm, sau đó gấp đôi rồi xếp gọn lên đĩa. Cách làm đơn giản, nhưng để bánh đạt độ dai, rỗ đều và thơm mùi gạo thì đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến.
Bánh xèo vỏ Bình Định có thể ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng ngon nhất vẫn là buổi sáng se lạnh hoặc những ngày mưa lất phất. Mỗi người sẽ có cách thưởng thức bánh xèo vỏ khác nhau. Người cứ thế dùng tay cuộn từng cái bánh với rau sống, chấm nước mắm và đưa vào miệng ăn ngon lành. Người thì từ tốn dùng đũa xé thành từng miếng nhỏ mới thưởng thức. Cũng có người cuốn bánh xèo với bánh tráng mỏng, thêm rau sống và chấm vào nước mắm.
Loại bánh xèo vỏ này ngon nhất khi ăn cùng mắm đục (tên gọi khác là mắm nêm). Đây là loại mắm được làm từ cá biển nhỏ hoặc cá cơm, pha cùng với ớt tỏi giã nhuyễn, thêm xíu chanh và đường là ăn bao “dính”. Đối với những ai lần đầu thử, vị mắm nêm có thể hơi nồng, nhưng chỉ cần quen rồi thì lại thành “ghiền”.
Chỉ với 5.000 đồng một đĩa, bánh xèo vỏ mang đến một bữa ăn bình dân mà no lòng. Không cầu kỳ thịt thà, nhân nhụy, món ăn này giản dị nhưng vẫn chiếm trọn tình cảm của người dân Bình Định và du khách ghé thăm. Chiếc bánh nóng hổi, thơm mùi gạo, chấm với nước chấm đậm đà khiến ai cũng “ưng cái bụng”.
Với người dân Bình Định, bánh xèo vỏ không chỉ là một món ăn mà còn là kỷ niệm gắn liền với quê hương. Những ai xa quê, mỗi lần trở về đều muốn thưởng thức món ăn này như một cách để sống lại ký ức tuổi thơ. Có người còn ví bánh xèo vỏ là “hương vị của những ngày mưa”, bởi cảm giác được ngồi bên bếp lửa ấm, nghe tiếng “xèo xèo” khi bánh chín, rồi thưởng thức chiếc bánh nóng hổi là điều khó quên.
Trúc Cẩm
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM