Tết Ất Tỵ tới đây, lần đầu tiên, nhà trưng bày cụm di tích tháp Bánh Ít (tức tháp Bạc) ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định sẽ mở cửa phục vụ cộng đồng. Sự kiện đánh dấu nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử cho nhu cầu phát triển hôm nay.
Không còn hiu quạnh
Nhà trưng bày hình thành như hạng mục bổ sung của công trình tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít. Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tạ Xuân Chánh, đây sẽ là không gian tái hiện bản đồ di tích Chăm Bình Định; nơi trưng bày hiện vật phát hiện được từ các đợt khai quật, đồ thờ, mảnh gốm, phù điêu trang trí, trang phục, nhạc cụ Chăm… Mục tiêu hướng tới là khách du lịch.
Những đền tháp hoặc phế tích tìm thấy giữa lòng đất Bình Định có vị trí đặc biệt trong di sản kiến trúc Champa. Nó đứng thành dòng riêng, từng được nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp P.Stern phân loại, mô tả đầu thế kỷ trước qua khái niệm “phong cách Bình Định”.
Khác khu vực Nam Trung Bộ, vốn tập trung đông đảo người Chăm, tại Bình Định, những ngôi tháp hoành tráng, uy nghi trên đồi cao không được nuôi dưỡng, duy trì bằng nghi thức tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái hay tập tục nguyên thủy của một cộng đồng giàu bản sắc. Suốt thời gian dài, đấy gần như là những di tích chết.
Tình trạng lãng phí tài nguyên đã được nhận diện. Di sản cổ xưa từng bước tạo luồng sinh khí mới và sức hấp dẫn riêng sau lớp rêu phong. Tháp Đôi, cụm kiến trúc nổi tiếng giữa lòng TP Quy Nhơn “trình diện” không gian văn hóa truyền thống nhờ sự hiện diện liên tục của các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Ninh Thuận. Cổ tháp, sau nhiều năm lặng lẽ đã trở nên tươi tắn, sống động hơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Ngân - du khách đến từ Đắk Nông - hào hứng kể, trong 1 tuần lưu lại Quy Nhơn, chị và gia đình ghé tháp Đôi tới 2 lần: “Nghệ thuật kiến trúc của người xưa thật đặc biệt. Phù điêu chạm khắc tinh xảo lạ lùng. Chương trình biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm - Ninh Thuận rộn ràng âm sắc: Trình tấu nhạc cổ truyền, múa lễ hội đầu năm, dâng hương tháp cổ, làm gốm, dệt thổ cẩm… Xem hoài không thấy chán”.
Cuối tháng 9.2024, tổ chức tập huấn chuyên đề tại Bình Định, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng chọn tháp Đôi làm điểm thực tế trao đổi, truyền dạy, kết nối các giá trị văn hóa dân gian với mục tiêu phát triển du lịch.
Tiện lợi, thân thiện
Bảo tàng Quang Trung, nơi lưu giữ hồi quang rực rỡ của vương triều Tây Sơn là một trong hai di tích quốc gia đặc biệt ở Bình Định. Sau nhiều lần nâng cấp, mở rộng, quần thể di tích nay có quy mô 17,74ha và là địa chỉ hàng đầu cho các sự kiện lễ nghi hoặc tour, tuyến tham quan, khám phá lịch sử. Điều đáng ghi nhận là sự gần gũi, thân thiện từ đơn vị quản lý trong nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ.
Khách đến thăm, bên cạnh sự hỗ trợ của đội ngũ hướng dẫn viên trực tiếp, còn có thể dễ dàng tiếp cận hồ sơ di tích, đọc, nghe, xem, trích xuất câu chuyện từ 11.000 tư liệu, hiện vật chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh quét mã QR. Bảo tàng mỗi năm đón gần 200.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Người trẻ, học sinh, sinh viên, chiếm tỉ lệ không nhỏ trong số này.
Không chỉ Bảo tàng Quang Trung, tiện ích công nghệ thông tin hiện được khai thác rộng rãi, phổ biến tại các di tích trên địa bàn. Chỉ tính nhóm tháp Chăm, đã có 7 cụm gắn QR code gồm tháp Đôi, Bánh Ít, Bình Lâm, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc, Thủ Thiện. Thông tin đính kèm khá đầy đủ từ niên đại, phong cách kiến trúc đến chức năng, ý nghĩa tâm linh.
Để phát huy giá trị di sản, ngành văn hóa và tỉnh Bình Định dành rất nhiều nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Bảo tàng Quang Trung, lần nâng cấp mở rộng gần đây, huy động tới 211 tỉ đồng. Cụm tháp Dương Long (huyện Tây Sơn), di tích quốc gia đặc biệt còn lại, giai đoạn 2022 - 2025 được bố trí 94 tỉ đồng cho các hạng mục trùng tu
Theo Lao Động
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM