Vẻ đẹp của quê hương Bình Định được các nhiếp ảnh bắt trọn trong từng khoảnh khắc đời thường vừa gần gũi, vừa thân thương, thắm bao tình. Những người con xa quê luôn bồi hồi mỗi khi nhớ về.
Trên ảnh là những nương lúa chín vàng bao quanh khu dân cư ở vùng cao huyện An Lão. Người dân sinh sống nơi đây chủ yếu là dân tộc Kinh, Hre, Ba Na. Người địa phương luôn chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn thôn, xóm, làng, mở ra nhiều tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng, theo định hướng phát triển du lịch khu vực phía bắc của tỉnh Bình Định (gồm thị xã Hoài Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão).
Đầm Thị Nại là nơi anh Dũng Nhân chụp nhiều nhất vì có nhiều bối cảnh nhịp sống đời thường. Đây là đầm nước mặn lớn nhất của Bình Định, được xem là "vườn ươm" của các loài thủy sản, trải dài từ cực bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Quy Nhơn và thông ra biển bằng cửa Giã, tức cửa Thị Nại.
Một trong những hoạt động mưu sinh bắt cá trên đầm Thị Nại là quay rớ. Công cụ của ngư dân gồm nhà chồ và tấm rớ. Rớ được dựng đứng bởi bốn cây sào tre dài, ở giữa chùng xuống hình lòng chảo. Người dân kéo rớ lên sau vài giờ ngâm dưới nước để đánh bắt cá tôm.
Anh Dũng Nhân cho biết, gần đây người dân ý thức không khai thác ồ ạt mà cùng chính quyền địa phương bảo vệ rong mơ. Từ đó sinh cảnh tự nhiên ngày càng phát triển, thu hút du khách, nhiếp ảnh gia đến tham quan, sáng tác.
“Lang thang chụp ảnh vùng quê, tôi thấy cảnh vật quá đỗi yên bình, tình người ấm áp trong những hoàn cảnh khó khăn. Vừa thực hiện các phóng sự ghi hình phục vụ công việc chuyên môn, tôi vừa kết hợp chụp ảnh. Đây là những tư liệu quý, kỷ niệm khó quên”, anh Dũng Nhân bộc bạch.
Vượt qua hơn 470.000 tác phẩm dự thi của 124.000 nhiếp ảnh gia đến từ 174 quốc gia, các tác giả Việt Nam đã xuất sắc lọt vào top 100 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế 35Awards, hạng mục Aerial Photography (ảnh chụp từ trên cao)