Đất võ trời văn

Đậm đà hương vị bánh ít lá gai

  • Chủ nhật, Ngày 23/10/2024
  • Ai đã một lần về vùng đất võ – Bình Định và được thưởng thức bánh ít lá gai hẳn không bao giờ quên hương vị ngọt ngào và sự thơm ngon của chúng. Ban đầu đây là đặc sản của người Bình Định, sau cách làm bánh lan rộng khắp vùng ven biển miền Trung và trở thành đặc sản chung. Tuy nhiên bánh ít lá gai Bình Định vẫn đặc trưng và có nét riêng biệt.
    Khi đi chơi xa hay thăm người thân người Bình Định thường làm hoặc mua vài ba chục bánh mang theo ăn dọc đường hoặc để biếu, làm quà. Dù để 5, 6 ngày sau bánh vẫn ngon. Để làm được những chiếc bánh ít lá gai ngon phải chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ khâu làm bột, làm nhân…, cùng với sự khéo léo và thành thục.

    Tháp bánh ít
    Tháp bánh ít

    Để làm bánh cần phải hội đủ 5 thứ: lá gai, gạo nếp, đường, đậu hoặc dừa, lá chuối. Đầu tiên lá gai rửa sạch, luộc chín, để ráo nước. Gạo nếp phải là nếp thơm, dẻo thì bánh mới ngon. Gạo nếp ngâm cho mềm, vo thật sạch, xay nguyễn cùng với lá gai cùng với một ít muối. Sau khi xay xong cho vào túi vải đem đăng cho bột ráo nước. Khi bột vừa đủ ráo, lấy ra, ngào bột nhiều lần cho thật dẻo rồi chia thành từ khóm nhỏ vừa đủ làm một cái bánh. Nhân bánh tùy theo từng địa phương và sở thích của từng người mà làm các loại nhân khác nhau như nhân dừa, nhân đậu phộng, nhân đậu xanh, nhân đậu đen…các loại này làm sạch, nấu chín với đường cho thêm ít gừng đến khi nào nhân khô là được. Lá chuối tốt nhất là chuối chát hơ sơ qua lửa cho mềm, khoanh tròn.

    Bánh ít lá gai - Món quà quê ý nghĩa của người Bình Định
    Bánh ít lá gai - Món quà quê ý nghĩa của người Bình Định

    Đậm đà hương vị bánh ít lá gaiSau khi chuẩn bị xong, tiến hành nắn bột thật mỏng, cho nhân vào bên trong bóp chặt và vo tròn, thoa đều bánh và lá bằng dầu (ngon nhất là dầu phộng, một số nơi dùng nước cốt dừa) sau đó gói bánh lại. Tùy người mà bánh có thể gói theo kiểu bẻ gấp 1 đầu hoặc hình tháp vuông rồi đem bánh hấp cách thủy. Sau khi bánh chín vớt ra để nguội, đập nước đọng ở đầu bánh cho ráo, sửa sang lại bánh và cho vào rổ để ráo bánh.
    Bánh ít lá gai dẻo nhưng không dính răng. Ngoặm một tiếng ta cảm nhận được hương vị của bánh, vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng… tạo nên một cảm giác khoái khẩu và rất riêng biệt.

    Đậm đà hương vị bánh ít lá gai

    Vào những ngày giỗ, tết… sau khi cúng tổ tiên ông bà xong đĩa bánh ít được bưng xuống làm món ăn tráng miệng cho mọi người, vừa ăn bánh vừa nhân nhi ly trà nóng trong miệng mới cảm nhận được hết cái ngon, cái tao nhã của loại đặc sản này. Đối với những đứa trẻ vùng quê mỗi khi ăn cúng, giỗ đều mong chờ được phát cho một cái bánh ít lá gai.
    Hình ảnh và cách thưởng thức bánh ít lá gai của người dân quê Bình Định mang những nét riêng và độc đáo. Sự độc đáo ấy khiến nhà thơ Xuân Diệu phải ngậm ngùi:
    Bà ngoại ta còn phảng phất âu đây
    Bánh ít lá gai, bánh ú mập đẫy.
    Và trong ca dao Bình Định từ xa xưa cũng đã lưu truyền loại đặc sản này:
    Muốn ăn bánh ít lá gai
    Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi.
    Ngày nay, với sự phát triển của nhịp bước kinh tế thị trường, hàng trăm, hàng ngàn loại bánh Tây du nhập vào nước ta, vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi, vừa ngon. Vì vậy rất ít người còn giữ tập tục làm bánh ít lá gai, phạm vi của bánh cũng bị thu hẹp vào các ngày giỗ chạp, tết, ngày lễ. Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng mỗi loại bánh truyền thống của dân tộc đã trở thành đặc sản của từng vùng của đất nước, không chỉ mang đặc trưng về ẩm thực của vùng đó mà còn phản ánh nét văn hóa, ứng xử của con người với con người, con người với môi trường từ nhiên. Bánh ít lá gai đã biểu trưng cho đặc sản của vùng đất võ trời văn. Cách làm bánh khéo léo tỷ mỹ, hương vị ngon ngọt của bánh như chính tình cảm của người dân nơi đây giành tặng cho nhau vậy.

    Gu Vietnam
     

    Bài viết liên quan

    @ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM