Gỏi bòng, món ăn dân dã của người Bình Định, là sự kết hợp tinh tế giữa vị chua ngọt của tép bòng và các loại gia vị đi kèm, chứa đựng cả hồn quê mộc mạc. Đơn giản trong cách chế biến, nhưng gỏi bòng lại có sức hút khó cưỡng, gợi lên hình ảnh những bữa cơm quê ấm áp và những ký ức thân thương của vùng đất miền Trung đầy nắng gió.
Những vùng dọc theo lưu vực sông An Lão, sông Kim Sơn, nhất là hợp lưu Đại Giảng, hầu như vườn nhà ít khi nào thiếu vắng cây bòng. Những khu vườn xanh mướt với bóng cây bòng trải dài không chỉ làm bóng mát còn gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Cây bòng không chỉ là một loại cây ăn trái; nó còn chứa đựng cả ký ức tuổi thơ, những kỷ niệm hồn nhiên bên hoa bòng rụng trắng đầu thềm.
Loài cây này đặc biệt ở chỗ, không chỉ hoa mà cả lá, quả và thân cây đều toát lên hương thơm tự nhiên, thanh khiết. Từ gốc rễ cho đến những trái bòng chín vàng ươm, tất cả đều mang theo nét quyến rũ rất riêng, khiến bất cứ ai đi xa cũng nhớ mãi.
Bòng có nhiều loại, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất ở Bình Định là bòng điều. Loại bòng này có lớp vỏ vàng óng, khi bóc ra để lộ phần áo lụa đỏ au, gợi liên tưởng đến ánh ráng chiều đẹp mê hoặc. Với những trái bòng ngon như thế, món gỏi bòng ra đời, chinh phục không chỉ người dân địa phương mà còn làm xiêu lòng du khách gần xa.
Nguyên liệu làm món gỏi bòng không hề cầu kỳ, nhưng sự kết hợp khéo léo giữa chúng lại tạo nên một hương vị đặc trưng khó quên.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Bòng tươi được bóc vỏ, tách múi cẩn thận để không làm nát những tép bòng mọng nước.
- Khô ruốc hoặc khô mực nướng xé nhỏ, rang lên để tăng thêm hương vị.
- Nhặt kỹ húng quế, rau răm, ngò đem rửa sạch rồi cắt nhỏ.
- Dừa khô nạo sợi.
- Nước mắm nhĩ Bình Định – loại nước mắm đậm đà được pha cùng tỏi ớt băm nhuyễn.
Cách làm:
Từng tép bòng được trộn nhẹ nhàng với khô ruốc hoặc khô mực. Sau đó, trộn thêm các loại rau để gỏi bòng thanh mát và ăn đỡ ngán, rưới đều nước mắm nhỉ pha ớt tỏi lên trên và đảo nhẹ tay để các nguyên liệu hòa quyện. Cuối cùng, món ăn được bày ra đĩa, rắc dừa khô nạo sợi lên để thêm phần hấp dẫn.
Gỏi bòng không chỉ thu hút bởi sắc vàng óng của tép bòng, mà còn bởi hương vị hài hòa giữa chua, ngọt, mặn, và cay. Một món ăn dân dã nhưng lại có sức hút khó cưỡng, đặc biệt là khi dùng kèm với rượu gạo.
Người Bình Định nói riêng và người miền Trung nói chung, vốn có tình yêu sâu đậm với những món ăn đồng quê. Gỏi bòng là một trong số đó. Món này đặc biệt phù hợp với những bữa tiệc nhậu giản dị. Dăm ba người bạn quây quần bên mâm gỏi bòng, nâng ly rượu gạo, vừa nhâm nhi vừa kể chuyện đời, chẳng mấy chốc đã hết cả lít rượu.
Không chỉ là món nhậu, gỏi bòng còn là lựa chọn tuyệt vời cho những ai thích hương vị chua ngọt. Các bà, các cô thường tự thưởng cho mình một đĩa nhỏ gỏi bòng để thỏa cơn thèm chua.
Những ai từng sống dưới mái nhà quê với bóng cây bòng rợp mát, hẳn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người bà, người mẹ ngồi tỉ mẩn bóc múi bòng, chuẩn bị bữa cơm gia đình. Mùi thơm của bòng hòa quyện trong không gian, như lưu giữ cả hồn quê, hồn người.
Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại đã thay đổi nhiều, nhưng gỏi bòng vẫn là một món ăn được người Bình Định giữ gìn và tự hào. Nó không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là cầu nối đưa con người trở về với ký ức, với những giá trị truyền thống không bao giờ phai nhạt.
Gỏi bòng Bình Định không phải là món cao lương mỹ vị, nhưng chính sự giản dị và tinh tế trong cách chế biến đã tạo nên sức hút riêng. Mỗi khi thưởng thức gỏi bòng, người ta không chỉ cảm nhận được vị ngon của món ăn, mà còn như nghe thấy cả tiếng gọi quê hương, thấy lòng mình dịu lại bởi những kỷ niệm ấm áp nơi miền đất võ mộc mạc. Nếu có dịp về Bình Định, hãy thử gỏi bòng một lần, để cảm nhận trọn vẹn hương vị của một miền quê đầy yêu thương.
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM