Làng chài Hải Minh, là một ngôi làng nhỏ nằm dưới dãy núi Tam Tòa, tựa núi, hướng biển, được biết đến với tên hành chính là khu vực 9, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn). Ở làng chài bình yên này còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử về chuyện người xưa giữ biển.
Nghe chuyện người xưa giữ biển
Nhắc đến Hải Minh, điều đầu tiên nhiều người sẽ nhớ là tượng đài anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tượng đài cao khoảng 40 m này được xây dựng từ năm 1973 và ngay từ đó đã trở thành biểu tượng của Hải Minh, được nhiều người tìm đến chiêm bái.
Từ chân tượng đài, nhìn về 4 hướng, ta có thể thu vào tầm mắt cả một vùng trời, biển mênh mông. Bên dưới là làng chài nép mình bên bờ cát; bên kia eo biển là TP Quy Nhơn như một dải lụa vắt ngang trời, xa hơn một chút là cây cầu vượt biển Thị Nại. Nếu nhìn ra vùng vịnh ngoài khơi xa, sẽ thấy những con tàu vượt đại dương, lớp neo đậu bên ngoài chờ vào cảng, lớp nối đuôi rẽ sóng chầm chậm ra - vào cảng Quy Nhơn… Bởi có vị thế đặc biệt như vậy, nên từ hàng ngàn năm trước, Hải Minh đã có đồn lũy, binh lính thường trú để kiểm soát cả một vùng biển trời. Trong đó, được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng là hệ thống lũy đá cổ của người xưa chạy dọc trên những đỉnh cao.
Người dân Hải Minh kể rằng, vị trí tọa lạc tượng đài Đức Thánh Trần chính là nơi bắt đầu của tuyến phòng thủ được gọi với cái tên pháo đài Hổ Ky. Từ đây, có một lối nhỏ dẫn xuống Trạm Hải đăng Phước Mai, ngay trong khuôn viên trạm hải đăng là nơi đặt bia công nhận di tích lũy cổ Phương Mai cùng với dấu tích của lũy đá.
Từ thời Champa, đến triều đại Tây Sơn, người xưa đã biết vị trí cửa biển quan trọng, và đã xây dựng điểm phòng thủ trên núi, đến thời nhà Nguyễn, trường lũy được tôn tạo, xây lại, bố trí thêm nhiều chốt nhằm trấn giữ vùng cửa biển. TS Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) cho biết theo sử sách, trường lũy trên núi được tôn tạo từ năm Minh Mạng thứ 7, đến năm Tự Đức thứ 18 được sửa lại, đến nay trường lũy trên núi Tam Tòa đã có ít nhất hơn 200 năm tuổi.
Men theo dấu tích, cột mốc đánh dấu, chúng tôi tìm lên trường lũy xưa. Đó là một bờ đá dày, đá xếp chồng lên nhau, vắt ngang đỉnh núi; một số bị vùi lấp, một số bị cây cối phủ, song những khoảng trống trên đỉnh kịp cho chúng tôi tận mắt thấy được sự dày công sắp xếp của cha ông với tuyến phòng thủ này. Tại những đoạn còn nguyên vẹn, chúng tôi đo thử và thấy trường lũy đá có chiều cao chừng 2 m, đáy rộng 2 m, bề mặt chừng 1,2 m; người xưa xếp đá rất khít nên ta có thể di chuyển rất dễ dàng trên bề mặt.
Trên trường lũy có 2 chốt phòng thủ, một ở khu vực gần tượng đài Đức Thánh Trần được gọi là gò Kinh Để (Hải Minh ngoài) nơi quan sát tàu thuyền bên ngoài vùng vịnh Quy Nhơn, một gò khác là gò Vũng Tàu (Hải Minh trong) nhìn về phía đầm Thị Nại và vùng thành phố rộng lớn, hướng về phía kinh thành xưa. Nếu có cơ hội đi hết trường lũy, bạn hãy ghi lại những khuôn hình đẹp, nó không chỉ là những khuôn hình kỷ niệm mà còn là cách bạn chứng thực khả năng kỳ diệu của cha ông ta khi xây dựng nên lũy đá này.
Điểm đến cuối tuần
Hải Minh là một làng chài trong lòng thành phố, nhưng nơi đây lại có nét trầm lặng, giản dị, thậm chí chậm rãi cỡ… vài chục năm so với hiện tại. Bằng chứng là rất nhiều du khách có cảm giác như đang ở một thôn xóm chài nào đó của những năm 70 của thế kỷ XX. Có điều này có lẽ là bởi cách trang trí nhà cửa, cách người xứ này tiếp đón khách phương xa, dẫu chỉ là xa chừng 15 phút đi đò với họ, vẫn luôn là khách. Ở Hải Minh vẫn còn nhiều điều xưa cũ để người ta nhìn ngắm, có núi để bạn chinh phục điểm cao rồi nhìn ngắm mây trời, biển xa, có thể neo mình bên những vách đá để nghe sóng vỗ... Hay nói như nhiều người bạn xứ cao nguyên hay trằm trồ, đến Hải Minh từ chiều đến tối là đủ nghe sóng cả ru và nghe đá hát lời tự tình với đại dương.
Thật vậy, ngay ở bến đò, khi vừa đặt chân lên bờ, bạn sẽ được người dân trong làng chào đón với nụ cười của những cư dân biển hồn hậu, chất phác. Bạn có thể kéo chiếc ghế nhỏ, ngả lưng bên hiên nhà, tự mình lấy gáo ra múc nước mát mà uống. Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu làng chài Hải Minh từ bất cứ ai và ai cũng vui vẻ chỉ cho bạn những người hiểu biết nhiều hơn họ.
Hết leo núi, thì lặn biển. Người dân trong làng sẽ chỉ cho bạn đường ra Bãi Rạng, đường tới Hang Dơi, chỉ nơi nào tắm biển an toàn, nơi nào thích hợp cho việc chụp hình, và nhiều điều thú vị khác.
THU DỊU - NGỌC NHUẬN
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM