Đất võ trời văn

Khám phá nét đặc sắc trong lễ hội Chợ Gò ở Bình Định

  • Chủ nhật, Ngày 17/12/2024
  • Mỗi dịp Tết đến, hàng ngàn du khách từ khắp nơi và người dân quanh khu vực chợ Gò, thôn Phong Thạnh, lại háo hức chuẩn bị cho phiên chợ xuân đặc biệt chỉ diễn ra vào ngày đầu năm mới. Không ai rõ lễ hội chợ Gò bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã trở thành một phong tục truyền thống, gắn bó với đời sống cộng đồng và là biểu tượng văn hóa độc đáo mà mỗi khi nhắc đến Tết Bình Định, ai cũng nhớ đến.

    Lễ hội Chợ Gò - Một nét văn hóa độc đáo của người Bình Định
    Lễ hội Chợ Gò - Một nét văn hóa độc đáo của người Bình Định

    Nói là chợ nhưng thật ra chỉ là bãi đất trống rộng dưới chân núi Trường Úc, cạnh bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại. Không một cửa hiệu, túp lều, các ngày trong năm cũng không nhóm chợ, mà chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng ngày mùng Một Tết Âm lịch. So với buổi họp chợ đầu năm thì lễ hội Chợ Gò có tính chất của một ngày hội vui xuân. Từ sáng tinh mơ, người dân trong vùng vận chuyển đến chợ những sản vật tươi ngon vừa mới thu hoạch trước Tết Nguyên đán như hoa quả, mớ rau muống, nải cau, lá trầu cho đến vài cặp gà, mớ cá rô đồng tươi rói,...Ở chợ cái gì họ cũng bán nhưng người mua nhiều nhất vẫn là trầu cau, đu đủ và quả sung với ngụ ý cầu mong một năm mới tài lộc. 
    Tương truyền ngày xưa, quân Tây Sơn đã sử dụng nơi đây làm tiền đồn để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui Xuân ở nơi đây, trước là để nhân dân dân bản địa vui xuân sau chiến tranh mất mát khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày hôm nay.

    Nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong suốt thời gian diễn ra lễ hội
    Nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong suốt thời gian diễn ra lễ hội

    Trải qua gần 300 năm lịch sử, đến nay Lễ hội Chợ Gò cơ bản vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có mà còn có xu hướng phát triển đa dạng hơn; bên cạnh các hàng quán ăn uống phục vụ cho du khách trẩy hội, nhân dân địa phương còn duy trì hoạt động mang bán các loại hàng hoá, thực phẩm tự chế, tự tiêu, nông thô sản và thực phẩm tươi sống hải sản các loại nhằm phục vụ lễ kiếng, ăn uống suốt ba ngày tết. Du khách về dự hội chợ Gò có dịp mua nhiều món quà mang ý nghĩa trao nhau chút lộc đầu xuân, mong trong năm được nhiều may mắn. Cùng chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng.

    Không đơn giản là nơi vui chơi, lễ hội chợ Gò còn là nét đẹp văn hóa truyền thống, chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần người dân Bình Định. Đây là dịp mà các thành viên trong gia đình dành thời gian bên nhau, xóa tan bao muộn phiền lo toan trong năm cũ để cùng vui xuân, trao nhau những lời hỏi han chân thành và câu chúc về một năm mới tốt lành hạnh phúc. Tuy chỉ họp có một ngày trong năm nhưng với sự phong phú đa dạng và mang đậm nét văn hoá truyền thống Việt Nam, Lễ hội Chợ Gò Bình Định đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng trong "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam". Người dân Tuy Phước dù có sinh sống, làm ăn xa quê hương vẫn thuộc mấy câu thơ độc đáo về lễ hội Chợ Gò:

    “Bài chòi mở hội đầu xuân,

    Hội vui đón Tết, hội mừng non sông.

    Vui chơi cho phỉ tấm lòng,

    Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề.

    Đi xa hãy nhớ mà về,

    Chợ Gò - Trường Úc bộn bề đón xuân”.

    Phong tục truyền thống của lễ hội Chợ Gò
    Phong tục truyền thống của lễ hội Chợ Gò

    Dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nét đặc trưng của Hội chợ Gò từ bao đời nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Tại đây, người bán không nói thách, người mua không mặc cả và việc buôn bán không đặt nặng yếu tố lời lỗ. Phiên chợ đầu năm trở thành dịp để mọi người trao nhau lộc xuân, gửi gắm những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

    Gu Vietnam

    Bài viết liên quan

    @ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM