Có thể thấy rằng, trong lịch sử phát triển của Bài chòi từ giai đoạn hình thành và hoạt động trong hội chơi, Bài chòi vượt ra ngoài hội chơi để hoạt động trên “sân khấu trải chiếu” và Bài chòi “từ đất lên giàn” không thể thiếu vai trò vô cùng quan trọng của các anh hiệu. Họ chính là nhân vật trung tâm và gắn liền với hội chơi Bài chòi, góp phần chính yếu trong việc sản sinh và hoàn chỉnh các làn điệu Bài chòi.
Vai trò của các anh hiệu còn được các nhà nghiên cứu ghi nhận và đánh giá cao: Những anh hiệu ngoài việc làm Hiệu trong hội đánh Bài chòi, sau này họ còn lập thành từng nhóm thoát ra khỏi hội Bài chòi để đi đến những chỗ đông người diễn những tích trò hô Bài chòi có nội dung xã hội. Dần dần họ lập thành những đoàn, gánh hát nhỏ đi hô, diễn ở nhiều nơi cả nông thôn và thành thị và sau đó thì hội chơi Bài chòi đã phát triển thành bộ môn nghệ thuật sân khấu Bài chòi như hiện nay.
Dưới ánh sáng Cách mạng tháng Tám, Bài chòi tiếp tục phát triển, biểu diễn phục vụ nhân dân rộng khắp.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bài chòi dần được xây dựng thành một bộ môn nghệ thuật ca kịch dân tộc hiện đại, tham gia tích, cực vào việc động viên đồng bào, chiến sĩ, đả kích kẻ thù, ca ngợi những tấm gương đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Thực thi nội dung của Hiệp định Giơ - ne - vơ (1954), Đoàn văn công Liên khu V tập kết ra Bắc. Trong bối cảnh lịch sử mới, nhờ phương hướng nghệ thuật của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước, cuối năm 1956 Đoàn ca kịch Liên khu V được thành lập và biểu diễn vở ca kịch bài chòi “Thoại Khanh - Châu Tuấn” dài 5 màn của tác giả Nguyễn Tường Nhẫn. Sau đó, vở diễn này gây được tiếng vang lớn tại Hội diễn miền Bắc với giải A. Những năm tiếp theo, Đoàn dần hoàn thiện và xây dựng thêm các tiết mục tham dự Hội diễn toàn miền Bắc và đều đạt giải cao như: “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Tiếng sấm Tây Nguyên”…..
Từ năm 1965, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt, cam go. Theo tiếng gọi của Đảng, Đoàn Ca kịch Liên khu V quay trở lại miền Nam hoạt động, phục vụ chiến sỹ, đồng bào dưới hình thức tổng hợp “Đoàn văn công giải phóng Liên khu V”.
Ở các tỉnh Nam Trung Bộ thời bấy giờ đều thành lập “Đoàn văn công giải phóng” theo từng tỉnh. Tại Bình Định, ngày 11/3/1962, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định tại làng Ka Tâng, thuộc xã Tu Krông (này là làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Đến tháng 10/1962, Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định được Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành “Đoàn văn công giải phóng Bình Định”.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đều tách bộ phận ca, múa, nhạc và thành lập mỗi tỉnh một Đoàn bài chòi chuyên nghiệp, các đoàn, đội bài chòi nghiệp dư ở các huyện, xã… và đi vào hoạt động đến nay.
Đứng trước những biến động lớn của lịch sử, đã có lúc nghệ thuật Bài chòi gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, với đường lối lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng, vào cuối năm 1990, nghệ thuật Bài chòi dần được phục hồi và đặc biệt từ năm 2010 trở lại đây, khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chủ trương khôi phục Bài chòi thì loại hình nghệ thuật này đã nhanh chóng được vực dậy, nhân dân các tỉnh, thành ở Trung Bộ tổ chức hội chơi Bài chòi vào các dịp lễ tết, đầu xuân năm mới.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc nhưng Bài chòi vẫn luôn được nhân dân nuôi dưỡng, phục vụ đời sống tinh thần của họ. Nó như một “sợi dây” vô hình neo giữ tâm hồn người Việt, vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động nông thôn và như một mạch nguồn âm ỷ, chỉ chực bùng cháy, tuôn trào khắp mọi nẻo quê.
Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa các loại hình giải trí khác đang thịnh hành, có thể đến tận “đầu giường” của từng cá nhân nhưng người dân các tỉnh miền Trung vẫn không quên những giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn và những làn điệu trữ tình, sâu lắng của dân ca Bài chòi. Bằng chứng là vùng Nam Trung Bộ vẫn có 03 Đoàn ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa và hàng trăm hội diễn xướng Bài chòi dân gian ở khắp các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa liên tục hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia. Các dự án bảo tồn Hội đánh Bài chòi cổ dân gian đã được thực hiện thành công ở nhiều nơi trên dải đất miền Trung. Thêm vào đó là các đợt Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi Sân khấu dân ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức đều đặn và duy trì đến nay. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa rộng khắp của bộ môn nghệ thuật này. Đặc biệt hơn là từ hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian địa phương, nghệ thuật Bài chòi đã lan tỏa khắp đất nước và vượt đại dương ra thế giới để trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Hy vọng, việc nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017) sẽ tiếp thêm “động lực” để bộ môn nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian cũng như có sức lan tỏa ra thế giới
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM