Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Được tôn vinh với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” do Bác Hồ trao tặng, phụ nữ Việt Nam luôn là biểu tượng của lòng yêu nước và đức hy sinh. Trong đó, người phụ nữ Bình Định, với chiều sâu văn hóa và hoàn cảnh lịch sử, thể hiện một nét đẹp riêng biệt, hòa quyện giữa truyền thống thượng võ, sự kiên cường và tinh thần sáng tạo.
Không chỉ được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát sinh của phong trào Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và những nam tướng oai phong lẫm liệt, Bình Định còn gây ấn tượng bởi hình ảnh người phụ nữ với tinh thần mạnh mẽ và kiên cường.
Câu ca “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” và hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi xung trận đã cho thấy người phụ nữ Bình Định can trường, dũng cảm đến nhường nào. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Bình Định với truyền thống thượng võ, sẵn sàng đứng lên chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương, tạo nên một nét đẹp kiêu hãnh, mạnh mẽ và đầy bản lĩnh.
Quên sao được hình ảnh những người mẹ, người chị ngày đêm tham gia chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu, bất chấp hy sinh, kiên cường vượt qua hiểm nguy, mưa bom bão đạn, che giấu và bảo vệ cán bộ, bộ đội, dẫn đường, tải đạn, tải thương, nuôi dưỡng thương binh, chăm sóc từng vết thương cho các chiến sĩ để họ nhanh chóng trở lại chiến trường.
Phụ nữ Bình Định không chỉ kiên cường trong chiến đấu mà còn luôn nỗ lực vươn lên, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Minh chứng là có nhiều tấm gương phụ nữ cần cù lao động, chịu thương chịu khó, giỏi việc nước đảm việc nhà. Đặc biệt, ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý ở các cấp, từ địa phương đến cấp tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà tốt đẹp, rực rỡ”.
Nét đẹp của người phụ nữ Bình Định còn được thể hiện qua những giá trị văn hóa truyền thống đã được gìn giữ và phát huy, tiêu biểu là các ngành nghề tiểu thủ công truyền thống, làng nghề truyền thống đã tạo ra hàng trăm sản phẩm mang thương hiệu riêng, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ. Hình ảnh chiếc Nón ngựa Gò Găng được chế tác bởi đôi bàn tay tài hoa và sự tỉ mỉ của người phụ nữ xứ Nẫu đã trở thành biểu tượng thanh lịch, hài hòa, càng tôn lên vẻ duyên dáng khi họ đội nón lên đầu.
Câu ca dao “Con gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa, con gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm” đã thấm sâu vào tiềm thức người dân Kiên Mỹ (nay là khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), nhắc nhớ về vùng đất sản xuất lụa nổi tiếng Bình Khê xưa.
Nhà máy dệt Đờ-li-nhông, được xây dựng vào năm 1902 tại Bình Khê, là nhà máy dệt lớn thứ hai Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, với hơn 2000 công nhân nữ. Nơi đây đã chứng kiến cuộc đấu tranh mạnh mẽ của 500 nữ công nhân đòi quyền lợi chính đáng như không bị cúp phạt, tăng lương 20%, và giảm giờ làm xuống 10 giờ/ngày.
Thành công này là minh chứng rõ nét cho tinh thần kiên cường của phụ nữ Bình Định trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Truyền thống ấy vẫn được kế thừa đến ngày nay, với hình ảnh những nữ công nhân tận tâm trong các nhà máy, nữ doanh nhân và nhà quản lý điều hành tập thể đi lên, khẳng định vai trò và vị thế vững chắc của mình trong xã hội hiện đại.
Bình Định được xem là cái nôi của nghệ thuật tuồng - một loại hình nghệ thuật kịch cổ truyền đặc sắc của Việt Nam. Nghệ thuật tuồng ở đây phát triển rực rỡ, ghi dấu ấn qua những nhà soạn tuồng tài hoa, đặc biệt là danh nhân văn hóa Đào Tấn - bậc thầy của nghệ thuật tuồng.
Hát tuồng Bình Định mang đậm chất võ của vùng đất này, tôn vinh hình ảnh người phụ nữ miền đất võ, vừa tài hoa vừa kiên cường. Các vở tuồng như Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Tam Nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Xuân Đào cắt thịt, Nghêu Sò Ốc Hến đã khắc họa rõ nét hình tượng phụ nữ Bình Định nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, tạo nên một di sản nghệ thuật đầy sức sống và tự hào.
Người phụ nữ Bình Định, từ xưa đến nay, luôn là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất và đức tính cần cù, khéo léo. Từ truyền thống thượng võ đến nét đẹp trong lao động, nghệ thuật và đời sống, họ đã và đang viết tiếp trang sử hào hùng cho vùng đất Bình Định. Những nét đẹp truyền thống ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM