Tháp Bánh Ít là địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và lịch sử của người Chăm. Đây là cụm tháp cổ Chăm Pa, nằm trên ngọn đồi ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Trong số các điểm du lịch Bình Định nổi tiếng, tháp Bánh Ít là địa danh mà bất cứ du khách nào cũng nên ghé thăm ít nhất một lần. Đây là di tích kiến trúc Chăm độc đáo, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Tháp Bạc, Tháp Thiện Mẫu, Tháp Thị Thiện, Thổ Sơn Cổ Tháp…
Tháp Bánh Ít là một trong những di tích kiến trúc Chăm Pa cổ kính và độc đáo, nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về phía Tây Bắc. Địa danh này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII bởi người Chăm, với tên gọi ban đầu là tháp Bạc hay Yang Mtian.
Tên gọi tháp Bánh Ít xuất phát từ hình dáng của tháp, giống như những chiếc bánh ít - món ăn truyền thống của người dân Bình Định. Tháp còn có tên khác là tháp Cầu Bà Di, do nằm gần cầu Bà Di là một cây cầu cổ có từ thời Pháp thuộc.
Tháp Bánh Ít là một cụm tháp gồm 4 ngôi tháp khác nhau, với tháp chính cao nhất là 22m. Đây là nơi thờ cúng các vị thần Hindu, như Shiva, Vishnu, Ganesha và tổ chức các nghi lễ tôn giáo của người Chăm.
Tháp được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1982, được đưa vào danh sách 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời của nhóm tác giả người Anh. Từ thành phố Quy Nhơn, bạn có thể đi xe máy, xe ô tô hoặc xe buýt để đến tháp.
Tháp Bánh Ít là một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Chăm, được xây dựng từ gạch đất nung và đá. Tháp có sự kết hợp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và Bình Định tạo nên nét độc đáo và đặc trưng.
Công trình kiến trúc này được trang trí bằng nhiều hoa văn và tượng điêu khắc, thể hiện các hình ảnh và ý nghĩa của Ấn Độ giáo. Tháp Bánh Ít Quy Nhơn chắc chắn là biểu tượng của sự bền bỉ và sáng tạo của người Chăm mặc cho những hư hại bởi thời gian cùng nhiều thăng trầm lịch sử
Quần thể tháp Bánh Ít gồm bốn tòa tháp khác nhau, phục vụ cho các mục đích tôn giáo và văn hóa của người Chăm. Quần thể này có tên gọi lần lượt là tháp chính (Kalan), tháp cổng (Gopura), tháp hỏa (Kosagrha) và tháp bia (Posah). Theo những di tích còn sót lại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có nhiều công trình kiến trúc khác nữa ở đây, hình thành một trung tâm tôn giáo đa dạng với nhiều kiểu dáng kiến trúc khác nhau.
Tháp Cổng (Gopura)
Tháp cổng (Gopura) là tháp nhỏ nhất, có hình vuông, mái tháp hình bông hoa thể hiện sự đón tiếp và hướng dẫn các tín đồ vào nơi thờ cúng. Tháp Cổng đứng ở phía Đông, dưới chân đồi, nhỏ hơn tháp Chính về kích thước và độ tinh xảo, nhưng trông rất mạnh mẽ và vững vàng.
Tháp làm bằng gạch, cao 13m, nằm trên nền vuông mỗi cạnh 7m. Vòm cổng như một mũi lao chọc thẳng vào trời. Tháp có hai cửa đối diện nhau theo hướng Đông – Tây, thẳng hàng với cửa tháp Chính trên đỉnh đồi. Trên các mặt tường của tháp có trang trí các họa tiết hoa văn và các cửa giả hình mũi lao nhọn.
Tháp Bia (Posah)
Tháp Bia (Posah) cao hơn 10m, hình vuông, cách tháp Cổng 22m về phía Nam. Tháp có bốn cửa đối xứng ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.
Mái tháp độc đáo, khác biệt với các tháp Chàm khác, đó là sự thu hẹp dần theo chiều cao. Mỗi tầng mái có một hàng bầu lọ cong ở hai đầu, như những quả bầu rượu nằm sát nhau, nên tháp còn được gọi là Tháp Bầu Rượu. Tháp Bia là nơi lưu giữ bia ký ghi lại công lao của các vị vua và thần linh được tôn sùng ở đây. Tuy nhiên, các tâm bia tại tòa tháp này hiện nay đã mất
Tháp Chính (Kalan)
Tháp Chính (Kalan) là tòa tháp lớn nhất trên đỉnh đồi và có chiều cao đến 29,6m. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh 12m với một cửa chính hướng Đông và ba cửa giả.
Cửa chính của tháp nổi bật với vòm hình mũi giáo, trang trí phù điêu Kala ở giữa. Diềm mái vòm khắc hình khỉ thần HaNuMan đang nhảy múa. Các cửa giả nhỏ hơn có phù điêu Gajasimha trên diềm mái. Tháp Hỏa nằm cạnh tháp Chính, phía tây tháp Bia, cao 10m, dài 12m, rộng 5m và tường dày 1,4m. Tháp có vai trò như nhà kho chứa các đồ tế của người Champa xưa
Tháp Hỏa (Kosagrha)
Tháp Hỏa (Kosagrha) được xây dựng theo hình chữ nhật, khác với các tháp vuông khác. Tòa tháp cao 10m, dài 12m và rộng 5m. Đây là nơi lưu trữ và sắp xếp các đồ tế lễ trước khi đưa vào Tháp Chính, để cúng bái các vị vua và thần linh của người Champa cổ.
Tháp Chính là nơi thờ tượng thần Shiva cao 1,54m, rộng 1,06m, dày 0,56m. Bức tượng đã được phục chế lại vào năm 2013 theo bản gốc đang trưng bày ở bảo tàng Guimet (Pháp). Tượng là tác phẩm điêu khắc Chăm Pa cổ nhất ở Bình Định mang phong cách Chánh lộ của thế kỷ XI
Quần thể tháp Bánh Ít khoe sắc với nhiều tượng, phù điêu uốn lượn, phản ánh văn hóa Chăm của thời kỳ này. Các linh vật thực và thần thoại như voi, hổ, Garuđa cũng được khắc nhiều trên quần thể tháp Bánh Ít.
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM