Bình Định không chỉ làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và những địa danh nổi tiếng, mà còn “níu giữ” trái tim biết bao người xa hương và du khách bởi những món ăn đặc sản mang đậm dấu ấn quê hương. Trong số đó, món Tré nổi bật với cái tên độc đáo, hình thức lạ mắt và hương vị làm cho người ta khó quên khi đã một lần thưởng thức.
Nhắc đến đặc sản Bình Định không thể không kể đến tré rơm. Đây là món ăn dân dã đầy mê hoặc của người dân xứ Nẫu. Với hình dáng nhỏ nhắn, được gói trong lớp rơm vàng óng, tré Bình Định khiến bất kỳ ai cũng phải tò mò khi đi ngang qua những gian hàng bày bán.
Tré Bình Định là gì? Có từ bao giờ? Và món ăn này bắt nguồn từ đâu? là những câu hỏi quen thuộc của thực khách khi đến với Bình Định. Tuy nhiên, không ai biết chính xác món tré có tự bao giờ mà chỉ biết rằng, món ăn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày lễ, Tết, hay những bữa nhậu thân tình.
Theo cách làm tré ngon của người dân nơi đây, nguyên liệu chính để làm tré là thịt đầu heo và thịt ba chỉ, kết hợp với các gia vị đặc trưng như mè, riềng, tỏi, muối, hạt tiêu và đặc biệt là thính. Thịt được sơ chế kỹ lưỡng, khử mùi bằng muối trắng, sau đó luộc chín và vớt ra cho vào nước lạnh để giữ được độ giòn, sau đó tẩm ướt cùng thính để tạo nên hương vị riêng biệt.
Món tré sau khi được tẩm ướp gia vị sẽ được bọc trong lớp lá ổi già để dậy mùi thơm. Phía ngoài là lớp rơm khô vàng ươm, được cố định lại bằng lạt tre chẻ mỏng, giữ cho tré luôn khô ráo và tạo hình bắt mắt.
Rơm được chọn từ những cánh đồng vừa thu hoạch lúa, bỏ hạt và phơi khô tự nhiên, mang theo hương thơm dịu nhẹ của cánh đồng lúa chín. Lá ổi cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng, phải là những lá già để tạo mùi thơm đậm hơn. Từng lá được rửa kỹ càng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từng bước gói tré đều được thực hiện thủ công một cách tỉ mỉ, giữ nguyên hương vị truyền thống. Sau 2 - 3 ngày, tré lên men và bắt đầu dậy vị chua nhẹ cùng vị thơm nồng của riềng, tỏi, vị bùi bùi của thính, kết hợp với mùi đặc trưng của lá ổi và phần rơm bọc bên ngoài thơm mùi lúa chín. Tất cả tạo nên một món ăn mang hương vị đồng quê mộc mạc, bình dị, sẵn sàng làm xiêu lòng thực khách gần xa.
Tré ngon là vậy nhưng để món ăn trở nên hoàn hảo, đúng vị, thực khách cũng cần phải biết cách ăn đúng chuẩn là như thế nào. Khi thưởng thức tré, người ta sẽ bóc lớp rơm và lớp lá bên ngoài, sau đó dùng đũa đánh tới phần thịt để lớp thính được trộn đều hơn. Bạn có thể cắt nhỏ chả bò, chả heo, nem chua trộn đều vào trong tré.
Nếu muốn tăng thêm hương vị cho món ăn, bạn có thể cho thêm cóc non, xoài non, dưa leo, ớt tươi, tỏi cùng các loại gia vị như nước cốt tắc, muối tiêu, rau răm thái nhỏ… Trộn đều tất cả nguyên liệu sau đó cho ra đĩa và thưởng thức cùng bánh phồng tôm chiên.
Khi ăn, gắp một miếng tré trộn đặt lên miếng phồng tôm, chị cần cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt vô cùng đặc biệt, tạo nên sự bùng nổ vị giác khiến cho thực khách phải ăn mãi không thể buông đũa. Lúc này, người ta thường khó quên một thứ đặc sản khác đi kèm, đó là chai rượu Bàu Đá trong veo, cay nồng, đánh thức tất cả vị giác và khứu giác của người thưởng thức.
Vào các dịp lễ, Tết, món tré ngày càng trở nên phổ biến. Đối với người dân Bình Định, tré không chỉ là một món ăn mà còn là sự kết tinh của hương vị quê hương, gói gọn cả hương lúa đồng nội, sự mộc mạc, chân thành của con người miền Trung.
Mặc dù bình dị, mộc mạc là vậy nhưng tré lại trở thành món ăn khoái khẩu không chỉ của người dân bản địa mà còn của các du khách khi đặt chân đến nơi này. Không chỉ vậy, đây còn là biểu tượng văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ Nẫu. Món tré có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh suốt cả tháng mà hương vị vẫn còn vẹn nguyên, vì thế món ăn này đã trở thành món quà đặc sản đầy ý nghĩa mà bất cứ ai có dịp ghé ngang Bình Định cũng đều muốn mang những “nắm rơm cuốn 2 đầu” về làm quà cho người thân.
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM