"Ước gì anh hóa ra cơi. Để cho cơi đựng cau tươi trầu vàng. Ước gì anh cưới được nàng. Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm"...
2. Tục nhuộm răng ăn trầu của người Bình Định xưa:
Ở Bình Định thời trước ai cũng ăn trầu, vì thế mới có nghề lía trầu giúp Nguyễn Nhạc góp phần gầy dựng cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Ngày xưa con trai, con gái tới tuổi thành niên thường bắt đầu "ăn trầu". Con trai có thêm tục "hút thuốc", đàn bà con gái chỉ ăn trầu chứ không hút thuốc. Người phụ nữ Bình Định rất ghét phụ nữ hút thuốc, uống rượu. Họ xem miếng trầu là đầu câu chuyện nên thường khuyến khích thanh niên nam nữ ăn trầu. Nhà nào cũng trồng một vài cặp trầu và cây rễ trong vườn. Dây trầu bò lên cây cau, cây dừa hoặc cây bồ ngót tàu.
Cây rễ cao, lá thuôn dài, cành suông. Khi ăn người ta nhặt cành, bóc vỏ đánh thành nài (như nài cày, nhưng nhỏ hơn) rồi đem thui lửa, phơi khô dùng lần. Nếu hôm nào đi chợ quên mua rễ, người ta hái nụ hoa chiêm chiếm về ăn tạm thay rễ. Chiêm chiêm là loại cây như dú dẻ, hoa thơm, trái hình rẽ quạt như nhánh chuối, nhưng rất nhỏ, hạt to, khi chín màu đỏ, ăn có vị ngọt. Khi ăn trầu người ta dùng vôi quét nhẹ lên mảnh lá trầu tươi đã cắt xéo (thường ½ hoặc ¼ lá), gập lại cho vôi nằm ở giữa rồi bỏ vô miệng nhai. Vôi ăn trầu là loại vôi chín màu đỏ hồng, hay trắng. Ăn trầu nhất thiết phải có vôi, không có vôi trầu không đỏ, không nồng, vị nhạt như nước ốc. Bởi thế ca dao có câu:
"Có trầu có vỏ không có vôi,
Có chăn có chiếu không người nằm chung".
"Vôi" trong trường hợp này cũng quan trọng như "người nằm chung" vậy, và cũng có nghĩa là do đặc điểm nồng cay quan trọng ấy mà người ta còn ví vôi với "nghĩa", với "tình" mang đậm triết lý nhân sinh:
"Trầu xanh, cau trắng cay nồng,
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên".
(Ca dao)
Hoặc:
"Anh về em đưa miếng trầu,
Miếng thương miếng nhớ miếng sầu anh ơi.
Quệt vôi em quệt cả lời trăm năm…"
Để có miếng trầu ngon thì ngoài cách têm trầu cho đẹp, cho khéo còn phải biết quệt vôi sao cho vừa ăn. Nếu quệt nhiều, miếng trầu cay xé, quệt ít thì không đủ nồng. Để có vị chát và giảm bớt chất nồng cay của trầu và vôi, người ta cắn một mẩu rễ và lá cau tươi; nếu là cau khô thì phải ngâm kỹ trong nước cho mềm. Tất cả nhai chung trong miệng cho đến khi nước cốt có màu đỏ bầm như máu, hương thơm nồng rất dễ chịu. Để tăng thêm vị đậm đà, người ta còn dùng thuốc rê (lá thuốc xắt thành sợi nhỏ), vo thành viên như viên bi lăn qua lăn lại dưới hàm răng, vừa để chặn nước cốt trầu không chảy ra ngoài, vừa tăng cảm giác ngon miệng. Có người bận tay thường nhét viên thuốc rê dưới môi trên (giữa răng và môi) để làm việc khác, thuận tay dùng ngón trỏ hay ngón cái vuốt mép cho sạch nước trầu.
Vì ăn trầu phải nhổ nước cổ trầu nên nhà nào cũng sắm một hai ống nhổ bằng đất hoặc bằng đồng có trang trí hoa văn rất đẹp. Các loại trầu cau, thuốc, rễ đựng trong cơi trầu bằng tre, nhỏ xinh như chiếc rá gạo bây giờ. Chiếc cơi trầu cũng đi vào ca dao bằng lời tỏ tình rất dễ thương của chàng trai trẻ:
"Ước gì anh hóa ra cơi,
Để cho cơi đựng cau tươi trầu vàng.
Ước gì anh cưới được nàng,
Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm".
Ngày nay cơi trầu được thay bằng gỗ nhựa, tuy tiện lợi nhưng ít thẩm mỹ hơn nhiều. Ngoài cơi trầu, còn có dãy trầu. Khi đi ra ngoài thì có dãy trầu bằng vải luôn dắt theo người, gặp ai cũng lấy ra mời như người ta mời thuốc lá vậy. Các ông các bà không có dãy trầu thì bỏ đại vào hai túi áo vạc hò, áo bà ba hoặc trong yếm để khi ra đồng có cái ăn đỡ thèm. Vì thế túi áo ai cũng sẫm màu cổ trầu, đặc biệt là hai ngón tay trỏ và cái. Miếng trầu đã trở thành vật giao duyên khá độc đáo của các chàng trai và cô gái:
"Yêu nhau trao một miếng trầu,
Giấu thầy giấu mẹ trao sau bóng đèn".
Hoặc:
"Đêm trăng thiếp mới hỏi chàng,
Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không?
Trầu vàng nhá với cau xanh,
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời".
(Ca dao)
Khi già, răng yếu, khi ăn trầu thường dùng “ống xoáy trầu” nghiền cho dập trầu cau, rễ trong xoáy trước khi dùng. Ống xoáy làm bằng gỗ, sau bằng đồng, thời đánh máy làm bằng vỏ đạn đại liên to bằng ngón tay cái, cưa bớt phần ngọn còn phần đáy cao độ ba, bốn phân. Để có cây giã trầu người ta cắt một đoạn thép gai dài bằng cây bút bi đập dạt một đầu, đầu kia uống vòng tròn để dễ cầm và xỏ dây cột vào đáy ống xoáy cho khỏi thất lạc. Sau khi trầu cau rễ được bỏ vào ống xoáy, người ăn trầu dùng cây sắt chọt vào ống cho dập trầu mềm rễ rồi mới cho vào người ăn.
Trong cão trầu các vật dụng như bình vôi, ống xoáy trầu, dao xếp (dao nhỏ có cán xếp lại được) để cắt trầu, cau, rễ, còn các vật dụng như nút áo, kim chỉ, nhíp nhổ gai, dầu cù là… để phòng khi cần đến cho dễ tìm; còn ống nhổ thì để dưới chân giường hoặc xó nhà để tránh đụng ngã. Trẻ con biết bò hoặc lò dò biết đi rất thích nghịch cão trầu, bởi trong đó có nhiều đồ vật lạ mắt, đặc biệt là ống xoáy trầu vừa nhỏ vừa xinh, vừa có tiếng leng keng của que sắt chạm vào rất vui tai.
Dụng cụ để quệt vôi gọi là "chìa vôi". Bình vôi loại thường thì dùng bằng tre, dài hơn cây bút bi vót tròn; bình vôi xa thì dùng bằng chìa sắt. Có khi chìa vôi cột chung với lưỡi dao để rọc trầu, gọi là "dao ăn trầu". Dao này thường có đuôi nhọn như mũi tăm để vừa rọc trầu, vừa têm trầu hoặc rọc lá làm nón chứ không dùng vào việc gì khác. Bình vôi có nhiều loại, thường làm bằng đất nung, sau bằng sứ, bây giờ thì đựng vào những lọ nhựa, lọ thủy tinh cho tiện, nhưng không đẹp.
Bình vôi đất nung rất đẹp, ở quê giống như "ông bình vôi" trong truyện của nhà văn Phan Khôi trong "Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến" hồi giữa thế kỷ trước. Bình giống như một cái hủ nhỏ, cổ eo, miệng loa; có loại hình tròn đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, màu da lương.
Bình vôi được gọi một cách trân trọng là "Ông Bình Vôi". Khi "ông bình vôi" vỡ, hỏng hoặc đầy vì vôi chết trong ruột không cậy ra được, người ta không vứt đi mà trang trọng đặt ở gốc đa, gốc bồ đề trong làng, nơi thường để ông Táo, lò vỡ, hỏng. Trong truyện của nhà văn Phan Khôi thì "ông bình vôi" hỏng được bà mẹ đặt lên trang thờ chứ không bỏ đi.
Khi "ông bình vôi" đói, cũng tức là vôi đã hết, người ta mua vôi về dùng cái chìa vôi quệt vôi nhét dầy bình cho "ông bình vôi" ăn. Và buổi tối nhất thiết phải rút cái chìa vôi ra khỏi miệng "ông bình vôi" để có cái cho "ông bình vôi" thở mà ngủ yên giấc. Khi mẹ của Phan Khôi còn thì lại cắt nghĩa rằng: "Ông bình vôi linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm, kẻ dạo ông sẽ mách cho mình. Mà nếu để cái chìa vôi lấp đầy cái miệng thì ông không mách được".
Khi ăn trầu, răng lợi thường dính cốt trầu đen xỉn nên đàn ông đàn bà đều phải nhuộm răng. Có hàm răng đen bóng như hạt huyền là điều mơ ước của nhiều người. Đầu tiên người ta dùng than giã nhỏ cho vào một cái bọc vải nhỏ bằng ngón tay để chà răng cho sạch lớp men cũ, sau đó người ta dùng quả lựu tươi thái nhỏ, xắt nước để ngậm thường xuyên trong hai ngày một đêm, kể cả ra đồng làm việc. Chỉ những lúc ăn uống thì mới nhổ ra. Có nơi không có lựu thì dùng vỏ quả dừa tươi xắt nước ngậm thay nước lựu. Ngậm xong dùng một thứ thuốc (được chế bằng cách cô đặc nước lựu xắt nói trên thành chất keo) để bôi lên răng trong một ngày đêm. Cuối cùng người ta dùng thuốc rỏi là một loại bột màu hồng được bán nhiều ở chợ Gò Găng để chà lên răng cho đến kỳ đen bóng mới thôi. Từ lúc ngậm nước lựu đến khi chà thuốc rỏi, mỗi lần súc miệng không súc bằng nước lạnh mà súc bằng nước mắm Gò Bồi và làm cho loại thuốc không phai.
Với cách nhuộm răng này các cụ đã giữ được cho hàm răng đen bóng trong hơn nửa thế kỷ trước, khi đó người ta quan niệm rằng răng càng đen càng đẹp. Nhưng càng về sau tục ăn trầu giảm dần, chỉ còn là những bà cụ già, còn đàn ông thì chuyển sang hút thuốc. Vì thế, tục nhuộm răng ở Bình Định càng về sau càng mất dần. Và khi văn hóa phương Tây du nhập thì không còn ai nhuộm răng và cũng ít người ăn trầu, chỉ còn sót lại vài cụ già trên bảy, tám mươi tuổi. Nhưng nhờ ăn trầu có vôi và trầu cau, thuốc, rễ có vị cay, chát sát trùng nên răng các cụ ngày xưa khá tốt.
(Trích Bình Định - Đất võ trời văn, NXB Trẻ, 2008)
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM