Về Tuy Phước, chúng tôi đi qua một đoạn đường vòng vèo thơm ngát mùi hương lúa trổ, giữa những tán lá xanh um của hàng cây cổ thụ, Tiểu chủng viện Làng Sông hiện ra trước mắt rêu phong, cổ kính như một nét chấm phá giữa bức tranh làng quê yên ả.
Không tráng lệ như thánh đường Paul nhưng Tiểu Chủng Viện Lòng Sông hay nhà thờ Lòng Sông là một kiến trúc cổ vừa mang vẻ trầm mặc linh thiêng của một công trình tôn giáo vừa có sự dung hòa giữa thiên nhiên - con người và kiến trúc độc đáo đã tạo nên một tổng thể toàn vẹn nhất.
Tôi không thích những công trình kiến trúc tôn giáo quá hoành tráng mà ở đó con người tự nhiên trở nên quá cách xa và nhỏ bé. Có lẽ vì thế nên chính sự gần gũi, an hòa ở Làng Sông đã lặng lẽ chế ngự trong tôi, cũng như bất kỳ ai một lần đến. Cảm nhận đầu tiên va vào mắt là một nhà thờ được xây theo kiến trúc Pháp hoa lệ rất đẹp, uy nguy, trầm mặc giữa các thôn làng dân dã, bình dị bên cạnh là dòng sông với những cánh đồng bao la, xanh mát tạo nên một vẻ vừa cổ kính vừa thanh bình đến kỳ lạ.
Chính điện được thiết kế theo phong cách Gothic, với những tháp bút chì, và nhiều cổng vòm cuốn mang đậm phong cách Châu Âu làm cho ta cảm giác như đang lạc vào chốn cung điện cổ tích. Nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà được xây dành cho các tu sinh, tường vôi vàng, trường lang với những hàng cột và cửa vòm ban công được thiết kế tinh tế. Những khối nhà nép mình dưới những hàng cây rợp bóng, lối đi xanh mượt cỏ hoa. Đặc biệt trước sân là hàng cây sao đã hàng trăm năm tuổi, nhiều cây to tới mấy vòng tay ôm không xuễ vẫn sừng sững đứng đó che chắn cho Làng Sông trải qua biết bao thăng trầm, biến cố.
Bước vào thánh đường, lên những bậc cầu thang gỗ, đi qua những dãy hàng lang dài uy nghiêm, nhiều nét chạm khắc trên tường, trên cửa sổ đã in đậm màu thời gian. Chúng tôi như bị thôi miên giữa bầu không khí tĩnh lặng đến mức có thể cảm nhận âm thanh từng bước chân hay tiếng thở nhẹ của người bạn đồng hành bên cạnh, rồi sau đó tự nhiên quên hết những xô bồ tấp nập của cuộc sống ngoài kia, thứ còn lại trong tâm hồn ta chỉ có hoài niệm.
Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 400 năm, Tiểu chủng viện Làng Sông và cơ sở truyền giáo Nước Mặn là 2 nơi gắn với sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ. Ngày nay, trong khuôn viên Tiểu chủng viện còn có nền móng của nhà in Làng Sông. Nhà in này do Đức cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Đây là một trong 3 nhà in sách quốc ngữ đầu tiên ở Việt nam. Đáng tiếc, nhà in này bị đốt phá năm 1885, dưới thời Cần Vương chống Pháp. Tuy vậy, những giá trị văn hóa vô hình ở nơi đây vẫn nguyên vẹn và không ai có thể phủ nhận.
Nếu có dịp về thăm Bình Định, bạn đừng bỏ lỡ điểm đến này. Hãy đến đây khám phá những nét văn hóa kiến trúc cổ xưa huyền bí, chiêm nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên vô tận, tìm giây phút thư thái cho lòng lắng đọng và lưu giữ cho riêng mình những khoảnh khắc đẹp. Chắc chắc đó sẽ là một chuyến đi nhiều kỷ niệm và đáng nhớ!
Thu Trinh
@ Bản quyền thuộc về Đồng hương Bình Định - TpHCM